MƯỜI NGƯỜI NHẬN ĐỊNH
Những Nhận Định
***
VIÊN LINH (Nhà thơ Nhà văn, Chủ nhiệm Chủ bút Tạp chí Khởi Hành):
Trần Văn Nam (sinh quán Bến Tre), sinh hoạt rất lâu trong giới văn nghệ Việt Nam Cộng Hòa như một nhà thơ và viết nhiều tiểu luận nhỏ trên Khởi Hành (bộ cũ), Thời Tập. Sang Hoa Kỳ, ông vẫn tiếp tục viết, lần này hệ thống hóa trong một cuốn sách dự thảo có tên “Thi Nhân Việt Nam Hải Ngoại (Những Bản Sắc Dễ Nhận Diện)” và “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam, Phân Ðịnh Thi Ca Hải Ngoại” là một trong những nỗ lực đó, thu thập những bài đã viết, đã đăng mà theo lời chính tác giả thì trong khi cố gắng tìm một lối sáng tác thơ riêng, ông đã tình cờ lưu tâm đến những vấn đề này.
Xuất thân giáo sư Triết và dạy tại Vĩnh Long, tác giả đưa rất nhiều suy nghĩ liên quan đến các trào lưu văn chương và triết học thế giới vào các nhận định của mình. Có lẽ ông thuộc một số rất ít người phê bình ở hải ngoại thành công ở chỗ các nhận định ấy được chuyển tải đi như từ một độc giả có kiến thức… (Trích trong Tạp Chí Khởi Hành, số 115, tháng 5 năm 2006, Nam California, Hoa Kỳ).
***
NGUYỄN MẠNH TRINH (Nhà thơ, Nhà văn, Cộng tác viên Nhật báo Người Việt):
Khi đọc “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam – Phân Ðịnh Thi Ca Hải Ngoại” của tác giả Trần Văn Nam, tôi đã có cảm giác của một người đi tìm và đã gặp được những điều thích thú. Thực ra, hiểu được thi ca và viết ra để cho mọi người cùng chia sẻ không phải là công việc dễ dàng… Những bài tiểu luận về thơ này của tác giả Trần Văn Nam đa phần đã được đăng tải trên các tạp chí văn học và được giới thưởng ngoạn khá để ý. Ông viết với cái tâm trong sáng, nỗ lực đi tìm cái tuyệt mỹ của thi ca và ông theo dõi trào lưu của thi ca Việt Nam khá sâu sát. Ông khám phá ra được nhiều nhận xét bất ngờ lý thú bắt nguồn từ cảm nhận riêng biệt nhưng có khi là chung mang của người yêu thơ. Với căn bản của người học Triết, nắm luận lý nhưng không phức tạp hóa khi diễn tả ý nghĩ, ông trình bày vấn đề sáng sủa và không làm người đọc mệt mỏi như khi đọc những trang sách giáo khoa. (Trích trong trang Văn Học Nghệ Thuật của Nhật báo Người Việt, số ra ngày 23.4.2006, Nam California, Hoa Kỳ).
***
HOÀNG MAI ÐẠT (Nhà văn, Biên tập viên Nhật báo Người Việt, Tạp chí Văn Học):
“Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam, Phân Ðịnh Thi Ca Hải Ngoại” là một nỗ lực rất công phu, kết hợp một kiến thức rộng lớn, sự tìm tòi tỉ mỉ, một khả năng nhận định rất tinh tế, với một tấm lòng trân quý văn thơ của tác giả Trần Văn Nam. Trong 64 bài tiểu luận và sưu tầm, ông trình bày nhiều đề tài mà hầu hết liên quan đến thi ca, được viết rất lôi cuốn, có lúc sôi nổi, cũng có lúc trầm tĩnh, thuyết phục người đọc. (Trích Tạp chí Văn Học, số 231, tháng 5&6 năm 2006, Nam California, Hoa Kỳ).
***
TRẦN YÊN HÒA (Nhà thơ Nhà văn, Cộng tác viên Nhật báo Sài Gòn Nhỏ):
Thời gian gần đây, ngồi ở quán cà phê Factory, gặp anh em văn nghệ bàn nhau chuyện in sách, nhất là có những anh vừa mới in xong sách của mình, như tác giả Trần Van Nam với tác phẩm nghiên cứu văn học: “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam – Phân Ðịnh Thi Ca Hải Ngoại”, dày 560 trang, quyển sách trông đồ sộ và công phu. Thấy anh Nam vui và rất có lòng. (Trích trong trang Văn Học Nghệ Thuật của Nhật báo Sài Gòn Nhỏ, số ra ngày 4 tháng 10 năm 2008, Nam California, Hoa Kỳ).
***
Trích lại bài tựa của thi sĩ NGUYÊN SA - Tình yêu trong thơ Trần Văn Nam là một tình yêu lớn (1). Nếu so với âm thanh, tình yêu đó là là một bản hòa tấu (2), nếu mượn màu sắc để so sánh, tình yêu trong thơ Trần Văn Nam hiện ra như một cầu vồng ngũ sắc (3). Hình ảnh thiên nhiên có thật nhiều trong thơ Trần Văn Nam, bởi lẽ nhà thơ có một phần trái tim dành cho những cánh đồng thơ ấu của quê hương cũ, có những khu rừng thâm sâu kỷ niệm (4), có những biển mênh mông khi đe dọa, lúc an ủi ngày dứt áo ra đi (5). Những khúc nhạc lên tới đỉnh cao cảm xúc trong thơ Trần Văn Nam là tình yêu đam mê cất dấu trong những khu vườn êm đềm nhất của nội tâm (6). Quê hương Trần Văn Nam: Độ chừng bốn chục năm xưa / Cây xoài con két buổi trưa đường làng/ Thôn Phong Thạnh, vùng Nha Trang/ Xa xôi như đã qua sang cõi nào/ Kêu trong vòm lá xanh cao/ Bóng chim biền biệt bay vào hư không (Phong Thạnh, tỉnh Khánh Hòa, là quê hương cha kế của Trần Văn Nam, T.V.N ghi chú – Bài thơ này sáng tác năm 1988). Xa hơn quê hương Nha Trang là quê hương Bến Tre: Suốt một đời vẫn thấy nước trường giang/ Chuyến phà quanh co, bãi cồn bát ngát (Bến Tre là quê mẹ; Gia Định, quê cha. T.V.N. ghi chú)
Và hôm nay, trong cuộc đời tha hương, đầy ắp trong hồn Trần Văn Nam là quê hương Việt Nam, vì: Xứ này thâu hẹp núi sông/ Nghe tàu đêm chạy lòng không nỗi niềm/ Gối chăn, tàu đến tiếng rền/ Ngỡ toa hạng nhất xuôi miền quê xưa (Trích bài: Ngủ Đêm, Nghe Tàu Chạy)
Việt Nam, quê hương đa dạng trong thơ đó, biển cũng muôn màu. Người thơ giao động cực kỳ mãnh liệt trong ngày đi: Ngày đi nằm dưới sàn tàu/ Cảm nghe trăm dặm trên màu biển xanh/ Hồi lâu đảo mắt ngó quanh/ Rặng bần Tổ Quốc sắp thành phôi pha…
Nhưng rồi những xúc động đến từ rời đổi biệt ly của biển ngày đi cũng tan đi, nhường chỗ cho biển muôn đời:
Bản hòa tấu biển trời xanh muôn thuở/ Như loài người hát mãi khúc tình ca. Biển là một hình ảnh đậm nét trong thơ Trần Văn Nam. Cũng vậy, âm nhạc trong thơ của tác giả “MÔT ĐÊM CHO THƠ, TÌNH VÀ ÂM NHẠC” sáng chói. (Một Đêm Cho Thơ, Tình, Và Âm Nhạc là nhan đề Tập Thơ của Trần Văn Nam do ĐỜI xb. năm 1991 tại Nam California). “Ảo Giác Trong Bản Đàn Độc Tấu” là một bài thơ độc đáo (Bài thơ này cảm hứng do hình ảnh trên TV chiếu một nhạc sĩ độc tấu Tây Ban Cầm, thỉnh thoảng lại có bóng mờ của người tình dứt áo ra đi, và nàng bước đi trên những giây đàn phóng-đại. Ghi chú của T.V.N.): Ngón tay bấm, và ngón rung, ngón vuốt/ Mưa âm thanh trên mấy sợi tơ đồng/ Đường giây đàn thành đại lộ mênh mông/ Có bóng em cùng anh đi chung bước/ Những dấu nhạc ký âm qua lướt thướt/ Cũng biến thành hoa đẹp áo em bay/ Trên đường xưa, vạt áo em tròn xoay/ Đã gói trọn hồn anh thời tuổi trẻ/ Anh gõ nhịp trên thân đàn nhè nhẹ/ Lại thấy em nhảy múa điệu tình ca/ Tiếng vỗ xập xình là nhịp đập tim ta/ Gót chân em dặt dìu trong xa vắng/ Duy chỉ có tiếng em là im lặng/ Không nghe gì trong hiện tại cô đơn/ Vì em đi đã cách mấy năm tròn/ Bỏ lại anh những chiều buồn độc tấu. Âm nhạc ở đó, biển ở đó, vì tình yêu ở đó. Bất kể bối cảnh, dù cây xăng, dù Parking Lot. Cây xăng, Parking Lot là những bối cảnh đời; biển và nhạc là những bối cảnh tâm tư cho một tình yêu giản đơn, vẻ ngoài trầm lặng nhưng thực chất cực kỳ mãnh liệt. Bài “Cây Xăng 24 Giờ” của Trần Văn Nam (thử thi-hóa môt cảnh-vật đô-thị. Ghi chú của T.V.N.): Nếu như em ngại lỡ đường/ Xe xăng cạn lúc phố phường ngủ mơ/ Trạm xăng hai mươi bốn giờ/ Suốt đêm đèn sáng sẽ chờ đôi ta/ Freeway sát bóng trăng tà/ Đường khuya khắn khít anh và bóng em”. “Parking Lot Ở Trên Cao” cũng rất tới (cũng thử thi-hóa một cảnh-vật đô-thị): Tiễn em ra tận phi trường/ Về phương trời khác, trùng dương cõi ngoài/ Parking Lot cách xa đời/ Lấy xe về chốn một thời ái ân/ Trên cao xe chạy xuống dần/ Theo vòng trôn ốc, tâm thần quẩn quanh.
Biển và trời, âm nhạc, quê hương và tình yêu, trong thơ Trần Văn Nam, qua những nối tiếp đổi dời, qua những khác biệt dạng thức, trước sau, vĩnh viễn Trần văn Nam. Thơ Trần Văn Nam không giống thơ ai. Nó là Trần Văn Nam. Nghệ thuật trong một phạm vi, chính là tác phẩm mang dấu ấn độc đáo của tác giả.
NGUYÊN SA
Irvine, California, 1991
Ghi Chú - Lời Tựa của Thi sĩ Nguyên Sa có ý liên hệ đến các bài thơ sau đây của Trần Văn Nam trong Tập Thơ kể trên: 1/ bài Cây Đàn Của Ta; 2/ bài Tình Như Biển Xanh Muôn Thuở; 3/ bài Ngũ Sắc Cầu Vồng (tức Cầu Vồng HóaThân); 4/ bài Ấn Tượng Cánh Đồng Đầy Kên Kên; 5/ bài Khi Vào Hải Phận Thái Lan; 6/ bài Nhạc và Truyện.
***
ĐẶNG TIẾN năm 1963, trong Tạp chí Tin Sách (1), điểm Tập Thơ của Trần Văn Nam - Trần Văn Nam xuất bản một tập thơ có cái tên hơi khác thường (nhan đề: Tập Thơ Độc Nhất) vì “sau khi xuất bản tập thơ này, tác giả tự nguyện sẽ vĩnh viễn không bao giờ làm thơ nữa”. Nhưng trong quyển gửi tặng tôi, anh tự ý xóa những giòng này. Anh đổi ý chăng? Thật ra, anh có làm thơ nữa hay không, điều đó ít ai cần biết; vấn đề là tác phẩm hiện thời của anh hay hoặc dở, chỉ có thế. Tập thơ chia làm ba phần: Thơ và Triết Học – Thơ và Giai Đoạn – Thơ và thơ. Tác giả cho phần đầu là quan trọng nhất, là “phần chính”. Đáng lý ra phần nào là chính, phần nào là phụ, nên để cho độc giả phê phán và thời gian xác nhận, tùy theo tiêu chuẩn nghệ thuật từng người và từng giai đoạn. Trong phần “Thơ và Triết Học”, tác giả nhắm “diễn tả triết học qua thi ca, nhắm đưa ra một vài tư tưởng trừu tượng vào nghệ thuật gợi hình”. Một tham vọng hơi to tát, vì triết học diễn tả bằng ngôn ngữ triết học đã là một chuyện khó. Đọc “Thơ và Triết học” của Trần Văn Nam, tôi bắt gặp những hình ảnh, những âm điệu của thi ca xuất hiện với tác giả sau khi tác giả chung đụng với triết học; và sự liên hệ giữa Thơ và Triết Học chỉ là những sợi tơ mỏng manh, kín đáo. Nhờ vậy, đọc những bài “thơ và triết học” của Trần Văn Nam, độc giả có những cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát. Những vần điệu êm ái luân lưu đều hòa như một giòng sông giữa đồng bằng (2). Tuy làm thơ xuôi, Trần Văn Nam giữ nhịp thơ chừng mực, xử dụng bằng trắc rất điều hòa. Hình ảnh phần nhiều quen thuộc và tươi mát. Sang đến “Thơ và Giai Đoạn”, người đọc bắt gặp thuần một lối thơ thất ngôn cổ kính. Ở đây không còn tiếng sóng của trường giang vỗ vào kẽ đá, mà là tiếng sáo êm ả, mơ hồ từ xa xưa vọng lại. Không khí ở đây là cảnh rừng trong trăng mờ, cảnh biển dưới trời sao, mênh mông xa vắng, tựa hồ như cảnh mộng. Tình cảm ở đây là nỗi bâng khuâng bàng bạc, nhẹ như mây bay, êm như cơn gió rung rinh đầu ngọn cỏ, mờ ảo như lớp sương đèo mỏng mảnh (3): Từ thuở dừng chân ở lại đây/ Biển xanh giải rộng vào chân mây/ Chiều hôm cát bãi dài xa thẳm/ Từng vũng hoàng hôn phủ xuống đầy. Muôn thuở trùng dương chẳng nói gì/ Trông vời sương bạc phủ ngang mi/ Người xa biết đến bao giờ lại/ Người ở khi nào mới bỏ đi… Vũ trụ mơ hồ ấy không phải chỉ có một chiều rộng xa xăm, mà còn một chiều sâu huyền bí: Từ những nơi nào ở cõi âm/Trong làn mưa bụi bay lâm râm/ Hồn ma đắm bể còn trôi nổi/ Thây vướng vào chân những đá ngầm. Đã vạn năm chìm trong bể loang/ Đâu đoàn thủy thủ những đêm hoang/ Đâu hồn hải khấu thời sơ cổ/ Sương trắng mờ trên vạt áo choàng. Thỉnh thoảng một hình ảnh đẹp thoáng qua, yên lặng thoáng qua: Giờ đây bọt sóng là tham vọng/ Mặt nước ngàn trùng vẫn lặng thinh. Toàn tập thơ quý ở chỗ tạo ra một khoảng im lặng chung quanh linh hồn độc giả. Một khoảng im lặng không lạnh lùng mà quạnh quẽ, không trống vắng mà hoang sơ. Tôi bắt gặp lại không khí: Không gian như có giây tơ/ Bước đi sẽ dứt, động hờ sẽ tiêu… (của Xuân Diệu ngày nào). Người đọc sẽ mến thơ Trần Văn Nam, có thể mỗi người vì một lý do riêng. Nhưng chắc ít người mến Trần Văn Nam vì những “tư tưởng triết học” (4)
ĐẶNG TIẾN
(Trích Tạp chí Tin Sách, Sài Gòn, số tháng 3 năm 1963)
Ghi Chú (1) Số báo này, nhà văn Trần Hoài Thư sưu tầm được ở Thư viện Đại Học Cornell ơ tiểu bang New York, và copy gửi tặng; (2) Bài điểm sách của ông Đặng Tiến có ý liên hệ đến bài thơ xuôi “Con Sông Dài Qua Kinh Thành Cũ” trong “Tập Thơ Độc Nhất”; (3) Những cảnh sắc trên có ý liên hệ đến các bài thơ: “Về Thị Thành - Đại Lộ Hoàng Hôn – Niềm Im Lặng Của Trùng Dương – Tiếng Sáo Trương Chi”; cũng trong tập thơ ấy (4) Thực sự tác giả có chủ-đích muốn sáng tác “văn-ảnh theo thể thơ-văn-xuôi” sau khi chung đụng với triết học, không nghiêng nhiều về tư tưởng.
***
TRẦN DẠ TỪ (Nhà Thơ - Trong Ban Chủ Biên Nhật Báo VIỆT BÁO ở Westminster, California)
***
NGUYỄN VY KHANH (Nhà Biên Khảo-Toronto, Canada)
… Nội dung Siêu-hình và sự đào sâu Tâm-lý dưới dạng Văn-ảnh và Huyền-truyện, đã là những Thi-tính trong triết học, và Trần Văn Nam đã áp dụng tính chất văn ảnh có chất thơ ấy trong một số sáng tác, như bài “Nhền Nhện và Dã Tràng” cũng như bài “Con sông Dài Qua Kinh Thành Cũ” (trong “Tập Thơ Độc Nhất” và “Tập Thơ Bổ Khuyết”, xb. năm 1963 và 1964. tại Sài Gòn). Phần chúng tôi gọi là “Thơ Văn Xuôi” là nói về hình thức, vì với tác giả họ Trần, “văn ảnh” trong triết học thường ở dạng văn xuôi. Mặt khác, trước đó, Trần Văn Nam đã từng chủ-trì “Thơ Đẹp Là Một Vận chuyển Toàn Bộ” như bài ông viết trên Tạp chí “Văn” (số 142 ra ngày 15/11/1969, Sài Gòn). Theo ông, cảm thức cái đẹp của thi ca xuất phát từ kinh nghiệm sáng tác thơ, đó là một vận-chuyển từ cuộc đời và nghệ thuật, và là một vận chuyển nối kết các từ ngữ thẩm mỹ - ông đã trích dẫn thơ ông và của một số nhà thơ thời trước 1960 để luận chứng. Có thể xem đây là một thứ “thi ca tự truyện” mà mỗi con chữ, ý, tình phải “đi vào tiểu-sử” của người sáng tác, độc giả mới hiểu hết được cái thẩm mỹ của văn-bản thi ca. Như vậy, với Trần Văn Nam, văn chương phải chạm đến cõi siêu-hình nhưng đồng thời phải mang các chất hiện thực và thẩm-mỹ-tính! Và ông đã liên-tục đi tìm cách-thế nghệ thuật thể hiện sáng tác cho riêng mình và giải mã tinh túy văn học nói chung, thi ca cách riêng (Trích ở trang 450 trong sách “Văn Học Miền Nam 1954-1975” của Nguyễn Vy Khanh, do “Amazon.com” ấn hành năm 2016).
***
VÕ PHIẾN (Nhà Văn, Thủ Bút viết trong tháng 11 năm 1999)
***
HUY TRÂM (Nhà Thơ, Tác Giả: NHỮNG HÀNG CHÂU NGỌC TRONG THI-CA HIỆN ĐẠI - Thủ bút, viết ngày 27 tháng 8 năm 2005)
***
Hết Phần 10 Người Nhận Định (Trần Văn Nam sưu tầm)
THƠ VỚI ĐỀ TÀI VẬT LÝ VŨ TRỤ
(Thêm 11 bài cùng với 9 bài trong “Thơ Tuyển” Trần Văn Nam)
Lửa Cường Tập Trên Từng Trời
Tháng mười trời lạnh đêm mông mênh
Hiện một chòm sao sáng bập bềnh
Hình dạng chiếc Ngai Vàng Nữ Chúa
Nhìn hoài ảo giác mình lênh đênh.
*
Dưới lõm chòm sao lửa thực hư
Một vùng tro bụi rải tàn dư
Bốn trăm năm trước, trần gian thấy
Cái nổ ngàn xưa chớp điện từ.
*
Hiện tượng điêu tàn thường xảy ra
Xa xôi, vài hủy thể tiêu ma
Cõi trời dập tắt dăm lò lửa
Thăm thẳm không rền đến cõi ta.
*
Khi khối lượng gấp mười Mặt Trời
Lõi sao toàn sắt thép thành thôi
Cháy do cường-tập vào trung điểm
Khinh khí triền miên chuyển hóa đời.
*
Thành sắt thép xong, chuyển hóa ngừng
Những luồng phóng xạ bắt đầu ngưng
Mất đà đối-tác cân-bằng đó
Cái nổ sụp vào bởi kín bưng.
*
Chất nặng, U-ra-nhum, bạc vàng
Sinh ra khi lò nhiệt nổ vang
Bụi nguyên tố tung vào vũ trụ
Tụ thành những Trái Ðất, cưu mang.
*
Tinh cầu nào lửa nóng chưa xanh
Do khối lượng vừa, sức thải nhanh
Không nổ sụp mà rồi lịm tắt
Rã tan vào cái chết an lành.
*
Sao trời phản ứng cháy xanh lơ
Trái Ðất, quần cư trải giấc mơ
Bí mật hạch-tâm truyền bí nhiệm
Cho người bắt chước, thế gian nhờ?
(Đăng trong “TẠP CHÍ THƠ”, Garden Grove, California, số Mùa Thu 2004)
Vành Đai Tro Bụi
Quá giải Ngân Hà bãi ngọc trai
Một vì sao nổ chói vành đai
Vành ngoài tro bụi hào quang tụ
Sóng đến ta mất ba tháng dài.
*
Vành trong tia chớp đến ta lâu
Hơn một năm sau tới địa cầu
Sai biệt thời gian vành ánh sáng
Tính cùng tốc độ thành chiều sâu.
*
Sai biệt làm đơn vị xa xôi
Làm thời-gian đo đạc pha phôi
Ngân Hà chín vạn năm qua giáp
Sao khuất nào triệu triệu dặm soi.
*
Vùng tối Tinh Vân, nơi hóa sinh
Thoát hình sao mới từ u minh
Bụi hơi cuồn cuộn, nguồn quang tuyến
Trọng lực kết tinh, sao chuyển mình.
*
Thiên thể vần xoay kết tụ bè
Thiên hà vào quỹ đạo hôn mê
Rải trời ngàn bãi sao lênh láng
Trái Đất tìm đo sóng dội về.
*
Viễn vọng thăm dò cuối giải sao
Nghe mà tưởng tượng mình tiêu dao
Tưởng chừng Trái Đất gần nhau lắm
Quê cũ đâu đây biển sóng gào.
(Tạp chí VĂN số 111, tháng 9-1991)
Một Bình Trà Suốt Đêm
Khi chòm Bò Cạp đỉnh đồi treo
Cành lá chìm chìm hạt sáng gieo
Kế tiếp, như lên từ phía biển
Một chòm sao khác mọc cheo leo.
*
Hình dạng chòm sao, một ấm trà
Có quai, có nắp, nước trời pha
Nơi đây, tâm điểm Ngân Hà đó
Trái Đất quy hồi sóng kiểm tra.
*
Như một Hố Trời, vùng mật khu
Lực vào thăm thẳm xuống thâm u
Ðen ngòm dội sóng vô-biên-vực
Tinh tú xoay quanh quỹ-đạo-tù.
*
Bình ấm trên cao thấy thật gần
Quang niên diệu vợi mà tương thân
Vòm sao, thị náo vô kiềm tỏa
Nhàn khúc đêm hè, ngủ cỏ sân.
*
Vằng vặc Bình Trà, ta đứng coi
Cổ nhân đã thấy, nay còn soi
Chỉ thêm cái biết đời nay mới
Vùng của trung tâm có Rún Trời.
(Tạp chí VĂN số 155, tháng 5- 1995)
Cùng Chuyến
Mỗi lần tan sở cuối ca đêm
Phố vắng khuya buồn nghe rộng thêm
Chợt nghĩ giờ này bên Trái Đất
Là ngày đang lớn, nắng đang lên.
*
Nắng phương Ðông trước, phương Tây sau
Ta vẫn cùng trên một chuyến tàu
Cùng chuyến tinh cầu quanh quỹ đạo
Giữa trời tinh tú sáng trân châu.
*
Ta đang cư trú trong Thiên hà
Còn vạn Thiên hà vũ trụ xa
Nơi hút mạnh chính là tận điểm
Khởi đầu rún xoáy, Vực-không-ra.
*
Trăng sao, Trái Đất, mọi tinh cầu
Rồi sẽ cuốn vào đáy huyệt sâu
Không có vật nào, cả ánh sáng
Thoát vùng đen tối đang xoay mau.
*
Cuốn hút còn xa trăm triệu năm
Ðời nay vẫn đẹp vầng trăng rằm
Thiên hà ta mọc khi gần sáng
Thử ngó Rún Trời, vực tối tăm.
*
Trái Đất hẹp nhưng ta nhỏ nhoi
Thành ra đây đó cũng xa xôi
Như hai con kiến trên tàu suốt
Ðầu cuối tàu mà như biển khơi.
*
Thiên cổ chỉ là khoảnh khắc qua
Trùng dương chỉ cách một chiều tà
Cố hương hãy nghĩ gần gang tấc
Trái Ðất vẫn gần ta với ta.
(Tạp chí VĂN số 101, tháng 11/1990)
Tan Tác Ðại-Hùng-Tinh
Góc trời mọc sớm Ðại Hùng Tinh
Bề thế chòm sao lửa hiển linh
Như vắt ngang trời cái muỗng bạc
Bảy vì sao sáng tới bình minh.
*
Ai biết chòm sao đang tách phân
Sao đầu sao cuối cứ xa dần
Năm sao còn lại về chung hướng
Ba nhánh chia lìa mọi thiết thân.
*
Rồi một ngày kia dưới thế gian
Thấy chòm sao rã nhóm tan đàn
Hai trăm năm chục ngàn năm nữa
Cái-Muỗng-Trời chung cảnh hợp tan.
*
Vì đâu quần thể lại chia ngành
Bởi những lực nào còn ẩn danh
Có phải Rún-Trời đang hút tới
Hay Thiên hà dội sóng tương tranh.
*
Ðâu gì hệ trọng một chòm sao
Ðổi dạng trong thời gian lớn lao
Cái biết không là sầu-vũ-trụ
Bầu trời Trang Tử rộng tiêu dao.
(Nhật báo VIỆT BÁO, Giai Phẩm Xuân 2000)
Tít Mù Xoay
Màn ảnh vi ba chớp chớp liền
Từ trời tín hiệu tới triền miên
Mỗi giây dội đập đều đều sóng
Thiên thể nào đây, vận tốc điên.
*
Là thể do từ sức nổ sâu
Lực dồn co nén lõi tinh cầu
Hình thành một khối vô cùng nặng
Vùn vụt xoay quanh trục nhiệm mầu.
*
Hai cực hướng về Trái Ðất ta
Phóng luồng hạt tử xuyên bao la
Mỗi vòng hai chớp làn phóng xạ
Như hải-đăng-trời quét lửa xa.
*
Chưa ghê như Rún-Xoáy hình thành
Cái nổ sụp vào cũng thật nhanh
Tinh tú đặc co toàn hạt nặng
Cho trời con vụ tít vòng quanh.
*
Trăm nhịp từng giây, xoáy phập phồng
Thành Ðồng-hồ vũ-trụ kỳ công
Biết chơi, so sánh giờ nhân thế
Chậm cũng là mau, nhẹ mảy lông.
(Tháng 2-1997)
Vô Tận Nơi
Quang-phổ-kính thâu ánh sáng trời
Thấy trời trôi giạt về xa khơi
Màu hồng do sóng truyền lan rộng
Thiên thể về nơi không biết nơi.
*
Hạt sáng nào tới tới cực nhanh
Hiện vào quang phổ phía màu xanh
Những vòng-tần-số mau dồn dập
Nhắm hướng về ta đại tốc hành.
*
Hãy nghe vô tuyến khắp vô cùng
Vũ trụ rải đều tiếng vọng chung
Trên đỉnh đồi khô, ven góc biển
Giàn thâu âm vô tận truy lùng.
*
Hãy nhìn quang phổ mà truy nguyên
Nơi phóng ra sóng sóng dẫn truyền
Tia vũ trụ từ vùng xoáy lốc
Hành trình xa triệu triệu quang niên.
*
Có hạt thẳng vào thân thể ai
Giai nhân, không nể, xuyên hình hài
Ðêm ngồi khỏa nước cầu ao vắng
Ðâu biết trùng trùng hạt vãng lai.
(“Tạp chí THƠ”, Garden Grove, California, số mùa Thu 2004)
Khả Hữu Hiện Diện Một Vực Trời
Trên Ngân Hà trắng, hướng Nam xuôi
Có bóng Thiên Nga rực rỡ đuôi
Bay soải, bốn vì sao giăng cánh
Tám ngàn năm ánh sáng… xa người.
*
Thường đến nhân gian mỗi tháng hè
Chòm sao… một bí mật trùm che
Cổ Chim Thần phát luồng quang tuyến
Phóng xạ vọng trời, vũ trụ nghe.
*
Quang tuyến do từ nhiệt độ tăng
Bởi nguồn hơi bụi xuống băng băng
Ầm ầm sức hút vào Thiên Vực
Giải thoát ra bằng lực-đối-năng.
*
Trên đỉnh đầu ta lúc quá khuya
Con chim lai vãng lặng thầm kia
Ngân Hà… thêm một vùng xoáy động
Nguyên tử cuồng lưu, hạt tách lìa.
*
Vùng giữa Chim Thần, vùng trống hoang
Chính nơi quần thảo lực kinh hoàng
Một tàng hình… một xoay theo miết
Khả hữu là đây vực xoáy loang.
*
Góc trời nhân thế đẹp thi ca
Xa trải dòng sao trắng lụa ngà
Nào thấy nơi đâu vùng xoáy động
Ngàn năm lặng lẽ bóng Thiên Nga.
(Nhật báo VIỆT BÁO, Giai Phẩm Xuân 2000)
Hạt Cát Kể Chuyện Thiên Tai
Hạt cát nằm trên biển đá nhô
Nhà thiên văn lượm được tình cờ
Truy ra vật liệu từ Thiên thạch
Nguồn gốc thiên tai, dấu vết mờ.
*
Một tảng đá trời sáu dặm vuông
Tối sầm, trái núi cõi trời buông
Ðụng vào, sức nổ đào sâu biển
Tung mảnh ngàn nơi, bụi loạn cuồng.
*
Năng lượng trùng trùng, bão lửa theo
Ðốt thiêu sông núi cạn khô queo
Rồi mùa đông chết vì mây bụi
Ảnh hưởng môi sinh thật hiểm nghèo.
*
Hài cốt khủng long hóa thạch nằm
Vùi sa mạc cát thời xa xăm
Sáu mươi lăm triệu năm rồi đó
Cả một chủng loài biệt mất tăm.
*
Do từ hạt cát, biết thiên tai
Sức nổ nghiêng triền thế đất đai
Ven biển, hố sâu gần lấp cạn
Như đời, mọi sự cũng dần phai.
*
Sa mạc, người khảo cổ loại xương
Vụn mòn Thiên thạch kể tai ương
Tổ tiên ta có vài di vật
Sao chẳng cùng nhau biết tỏ tường.
(Tạp chí KHỞI HÀNH số Mùa Xuân năm 2000)
Ghì Nhau Khi Trôi Giạt
Ðỉnh núi xanh với Viễn-vọng-đài
Khiến trời bí-ẩn đã cung khai
Ngân Hà không phải nơi cùng tận
Còn rải rác trời dấu nhạt phai.
*
Những đốm mờ mờ như bụi hơi
Bấy lâu tưởng ở cùng bầu trời
Mà bao nhiêu triệu quang-niên cách
Những đảo Thiên-hà tụ lẻ loi.
*
Từng đốm Thiên-hà một cõi nơi
Có khi tao ngộ, hút song đôi
Mỗi giây vạn dặm gần nhau lại
Vài tỉ năm là xáp nhập thôi.
*
Hấp lực quần nhau riêng biệt phương
Khi vòng ngoài, vũ trụ phình trương
Khởi từ Trận Nổ rồi lan rộng
Những đảo-trời trôi giạt thảm thương!
*
Cục bộ giao tình hút-kéo-lôi
Mà miên trường, tất cả cùng trôi
Như hai hệ lụy đời chung kiếp
Trên chuyến-thời-gian bất phục hồi.
(Tạp chí VĂN bộ mới, số 2, tháng 2/1997)
Chòm Sao Chữ Thập Nam
Bay từ Phi Luật Tân xanh lam
Trên Thái Bình Dương, như biệt giam
Cửa sổ, nhìn đáy trời Nam Cực
Thấy rõ chòm sao Chữ Thập Nam.
*
Nó như bốn ngọn lửa đèn khêu
Trời Giãn Nở, mà đây trớ trêu
Biệt danh nơi này Tâm Hút Lớn
Thiên thể ùa nhau tiến đến đều.
*
Sau trận Big Bang tan tác chia
Thiên Hà giãn nở ra ngoài rìa
Thêm chi biệt vùng Tâm Hút Lớn
Trời mỏng chỗ này, đặc chỗ kia.
*
Tâm đó nuốt trôi bốn phía trời
Ngàn sao cuốn hút vào chơi vơi
Ði như dòng chảy vào Ðại Vực
Ðại Vực cũng về Giãn Nở thôi.
*
Chữ Thập Nam cuối trời Úc Châu
Nhờ trên cao, ta thấy thật sâu
Ai người Việt vùng Nam Cầu đó
Ta đã bay trên Bắc Bán Cầu.
*
Ðất Việt phía Ðông, ta về Tây
Bỏ dần xa Châu Á đêm dầy
Trời khuya, Chữ Thập Nam vằng vặc
Hăm sáu năm rồi, nhớ chuyến bay.
(Tháng 10 năm 2007)
TRẦN VĂN NAM
Ghi chú: Muốn biết Tâm Hút Lớn khác với Black Hole ra sao, xin coi cuốn La Melodie Secrète (Giai Ðiệu Bí Ẩn) của Giáo Sư Trịnh Xuân Thuận, bản dịch của dịch giả Phạm Văn Thiều, trang 248 (Sách xuất bản trong nước.)
Đã đăng trong tạp chí “KHỞI HÀNH” ở Westminster, Calif., số 147-148: Giai phẩm Xuân Kỷ Sửu 2009.